Năm 2020 nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân sao cho phù hợp với mức sống hiện nay của người dân Việt Nam
Nội dung bài viết
Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2020
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, trường hợp “chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Trong khi đó, tính từ tháng 7-2013 đến hết tháng 7 năm nay, CPI đã tăng hơn 20%. Do đó, các chuyên gia cho rằng căn cứ theo quy định trên, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2020.
Năm 2020 dự đoán nâng mức giảm trừ gia cảnh
Theo ông Ông TRẦN XUÂN THẮNG (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
Chúng ta phải xây dựng mức giảm trừ gia cảnh sao cho người nộp thuế đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất như ăn ở, đi lại, nuôi con… rồi mới phải nộp thuế. Còn mức đó là bao nhiêu, cần tính toán dựa trên các thông số chỉ số giá, mức sống tối thiểu…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm trình Thường vụ Quốc hội mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Theo ông Trần Xuân Thắng – nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, luật quy định chỉ số giá tăng 20% phải nâng mức giảm trừ gia cảnh, nên đã tới lúc điều chỉnh vì chỉ số giá đã vượt 20%.
“Cứ theo luật mà làm”, ông Thắng nói, đồng thời cho rằng để đảm bảo công bằng và khuyến khích người dân thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, Chính phủ cần thiết xem xét mức thuế ở bậc đầu tiên.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về thuế cho rằng mức thuế bậc 1 tại nhiều nước rất thấp, chỉ ở mức 1-2%, thậm chí chỉ 0,5%, trong khi Việt Nam áp mức 5%. “Chưa hết, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương là 7 bậc, với mức thuế ở bậc cao nhất là 35% thực sự là gánh nặng cho người lao động” – vị này nói.
Bà Trần Nguyễn Minh Hải, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng với chi phí sinh hoạt hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là điều phải làm, nếu không người dân sẽ chịu thiệt. Theo bà Hải, người dân đang bị mắc kẹt giữa một bên là giá cả tăng cao khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, trong khi phải nộp thuế nhiều hơn do rơi vào khung thuế suất cao, bởi thu nhập tăng theo xu hướng phát triển kinh tế.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thuế thu nhập cá nhân về cơ bản là thuế trực thu nhưng việc sử dụng thuế này đang có vấn đề, chưa làm người đóng thuế an tâm và cảm thấy tự hào. Số thuế thu được đáng ra phải được dùng để tái đầu tư hạ tầng giao thông, phục vụ an sinh, phân phối lại xã hội để tạo công bằng.
Nhưng người dân đang phải tự chi trả những chi phí cơ bản cho cuộc sống hằng ngày mà không được tính vào trong giảm trừ, nhất là các dịch vụ “xã hội hóa”, từ giáo dục, y tế đến bệnh viện, phí BOT… “Đáng ra cần tính phí này vào trong giảm trừ gia cảnh mới công bằng cho người đóng thuế, khuyến khích xã hội tiêu dùng, dịch vụ phát triển” – chuyên gia này nói.
Bài liên quan: Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2020
Nguồn: tuoitre.vn
Các bài viết mới
Không có tin nào
Để lại một bình luận