Giáo trình nguyên lý kế toán – giúp bạn hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của kế toán, chức năng, vai trò của công tác kế toán. Hiểu và phân loại được các đối tượng kế toán còn nắm được một số vấn đề cơ bản liên quan đến chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, luật kế toán cùng Kế toán Việt Hưng.
Nội dung bài viết
Lịch sử hình thành kế toán
Trong giáo trình nguyên lý kế toán sẽ cung cấp đầy đủ tất cả từ lịch sử hình thành của ngành kế toán mà chính bạn chuẩn bị làm, đang hoặc đã làm.
Sự hình thành và phát triển của khoa học kế toán gắn liền với sự hình thành và phát triển của đời sống kinh tế, xã hội loài người từ thấp lên cao mà khởi điểm là nền sản xuất hàng hóa.
Trong giai đoạn này công việc sản xuất không chỉ nhằm tự túc trong một gia đình hay bộ tộc mà xã hội đã có sự trao đổi sản phẩm giữa những người sản xuất với nhau từ đó yêu cầu theo dõi, tính toán hiệu quả của những hoạt động này đã được đặt ra nhằm mục đích khai thác một cách tốt nhất năng lực sản xuất hiện có. Tức là phải thực hiện công tác kế toán để cung cấp các thông tin cần thiết.
Tuy nhiên khi trình độ sản xuất còn thô sơ, khối lượng sản phẩm thu được trong không nhiều; nghiệp vụ trao đổi giản đơn thì người chủ sản xuất chỉ cần trí nhớ hoặc dùng các phương pháp ghi nhận đơn giản là có thể nhận thức được tình hình cũng như kết quả của hoạt động kinh tế.
Khi nền kinh tế xã hội phát triển ở trình độ cao hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra nhiều hơn thì phải dùng đến một vài quyển sổ để ghi chép diễn biến của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên nếu công việc không có gì phức tạp lắm thì người chủ sản xuất có thể vừa là người tổ chức sản xuất vừa thực hiện luôn việc ghi chép sổ sách và tính toán kết quả tài chính (thường là ghi sổ đơn).
Khi trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất và sự phân công lao động đạt đến đỉnh cao thì người chủ cơ sở sản xuất kinh doanh không thể là người sản xuất, vừa là người bán hàng, là thủ kho, thủ quỹ vừa ghi chép sổ sách để theo dõi tình hình và tính toán hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi đó nhất thiết phải có các bộ phận thừa hành thực hiện các công việc có tính chất nghiệp vụ kỹ thuật chuyên môn như:
– Bộ phận kinh doanh: tìm hiểu nhu cầu thị trường, đề xuất mẫu mã mặt hàng, lập kế hoạch mua bán vật tư, sản phẩm, hàng hóa.
– Bộ phận kỹ thuật: nghiên cứu thiết kế mẫu mã, xây dựng quy trình công nghệ, yêu cầu chất lượng, định mức hao phí lao động vật tư…
– Bộ phận sản xuất: tổ chức thực hiện các lệnh sản xuất theo đúng tiến độ, đúng yêu cầu chất lượng với hao phí thấp nhất.
– Bộ phận kế toán: tổ chức huy động vốn, theo dõi tình hình và tính toán kết quả sản xuất kinh doanh; ghi chép sổ sách và lập các báo cáo tài chính (ghi sổ kép).
Hoạt động của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lúc đó là hoạt động quản lý thể hiện ở chức năng: Xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn có tính chất chiến lược
Tổ chức thực hiện, kiểm tra và ra các quyết định điều hành quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình trên cơ sở những thông tin về tình hình thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh, các quyết định quản lý kể cả ảnh hưởng của những nhân tố bên ngoài đến thực tiễn hoạt động của cơ sở do các bộ phân chuyên môn cung cấp.
Định nghĩa kế toán
Phần tiếp theo trong giáo trình nguyên lý kế toán là các định nghĩa kế toán căn bản bạn cần biết để hiểu hơn về công việc mà mình đã lựa chọn
– Theo luật kế toán Việt Nam (Điều 4 – luật kế toán doanh nghiệp Việt Nam 2003):
+ Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dƣới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.
+ Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán.
+ Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.
+ Nghiệp vụ kinh tế, tài chính là những hoạt động phát sinh cụ thể làm tăng, giảm tài sản, nguồn hình thành tài sản của đơn vị kế toán.
– Nói chung sau khi đọc giáo trình nguyên lý kế toán chúng ta có thể hiểu đây vừa là một môn khoa học vừa là một nghề nghiệp quản lý nên để hiểu kế toán là gì ta phải nắm được hai đặc điểm này:
+ Là một môn khoa học thì kế toán là một phân hệ thông tin thực hiện việc phản ánh và giám đốc mọi diễn biến của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế thông qua một số phương pháp riêng biệt gắn liền với việc sử dụng ba loại thước đo: tiền, hiện vật và thời gian lao động, trong đó thước đo bằng tiền là chủ yếu.
+ Là nghề nghiệp thì kế toán được hiểu đó là nghệ thuật tính toán và ghi chép bằng con số mọi hiện tượng kinh tế tài chính phát sinh trong đơn vị để cung cấp một cách toàn diện và nhanh chóng các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của đơn vị.
Để hiểu một cách cụ thể hơn, ta có thể phân tích trên các mặt sau:
Về hình thức: Kế toán là việc tính toán, ghi chép bằng con số mọi hiện tượng kinh tế tài chính phát sinh trong đơn vị vào các loại chứng từ,sổ sách có liên quan.
Về nội dung: Kế toán là việc cung cấp thông tin về toàn bộ diễn biến thực tế trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Về trạng thái phản ánh: Kế toán phản ánh cả hai mặt tĩnh và động, nhưng động là trạng thái thường xuyên và chủ yếu.
Chức năng của kế toán
Theo giáo trình nguyên lý kế toán thì kế toán có các chức năng cơ bản sau: Chức năng phản ánh, giám đốc và cung cấp thông tin.
Chức năng phản ánh: thể hiện ở chỗ kế toán theo dõi toàn bộ các hiện tượng kinh tế tài chính phát sinh trong quá trình hoạt động của đơn vị thông qua việc tính toán, ghi chép, phân loại, xử lý và tổng kết các số liệu có liên quan đến quá trình hoạt động và sử dụng vốn của đơn vị.
Chức năng giám đốc: (chức năng kiểm tra) được thể hiện ở chỗ thông qua số liệu đã được phản ánh, kế toán sẽ nắm được một cách có hệ thống toàn bộ quá trình và kết quả hoạt động của đơn vị; giúp cho việc phân tích, đánh giá được đúng đắn nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh .
Chức năng cung cấp thông tin: Đây là chức năng quan trọng nhất của kế toán. Thông qua thu thập thông tin về các sự kiện kinh tế tài chính, xử lý thông tin và bằng các phương pháp khoa học của mình, kế toán có thể cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị cho các đối tượng sử dụng thông tin khác nhau để ra quyết định thích hợp.
Vai trò của kế toán
– Đối với doanh nghiệp, kế toán giúp doanh nghiệp theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như sản xuất sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, tình hình cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, giúp cho việc theo dõi thị trường để sản xuất, tích trữ hàng hóa nhằm cung cấp kịp thời cho thị trường những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài ra kế toán còn cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp để làm cơ sở hoạch định chương trình hành động cho từng giai đoạn, thời kỳ.
– Nhờ kế toán mà người quản lý điều hành trôi chảy các hoạt động của đơn vị, giúp cho việc quản lý lành mạnh, tránh hiện tượng tham ô, lãng phí tài sản, thực hiện việc kiểm soát nội bộ có hiệu quả.
– Nhờ kế toán mà người quản lý tính được kết quả công việc mình đã điều hành trong từng giai đoạn và qua đó vạch ra phương hướng hoạt động cho tương lai. Điều phối được tình hình tài chính của doanh nghiệp
– Kế toán là cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp, khiếu tố, là cơ sở pháp lý chứng minh về hành vi thương mại.
Vẫn biết rằng vai trò của kế toán rất lớn, nhưng bạn đã hiểu hết tất cả chưa, hãy tìm hiểu sâu hơn qua giáo trình nguyên lý kế toán của chúng tôi nhé
Đối tượng nghiên cứu của kế toán
Đối tượng nghiên cứu của kế toán là vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài việc sử dụng thước đo bằng tiền, kế toán còn sử dụng thước đo bằng hiện vật như kg, cái, m… và thước đo về thời gian lao động như ngày, giờ …
Dưới giác độ nghiên cứu kế toán phân loại vốn kinh doanh thành hai mặt :
– Một mặt là kết cấu của tài sản: Tài sản này bao gồm những gì như nhà cửa, máy móc, thiết bị …
– Một mặt là nguồn hình thành nên tài sản đó: Tài sản này do đâu mà có từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp hay từ nguồn vay mượn để mua sắm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Tóm lại: Đối tượng nghiên cứu của kế toán là vốn kinh doanh của doanh nghiệp được phản ánh theo hai mặt: kết cấu và nguồn hình thành nên tài sản của doanh nghiệp. Sau đây ta nghiên cứu cụ thể cách phân loại đối tượng kế toán này trong giáo trình nguyên lý kế toán
Tải giáo trình nguyên lý kế toán
> Các bạn tải file PDF giáo trình nguyên lý kế toán TẠI ĐÂY
Để lại một bình luận