Thuế môn bài, các tình huống về thuế môn bài mới nhất kèm theo đáp án. Thuế môn bài là một khoản thu có tính chất lệ phí thu hàng năm vào các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Tất cả tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả các chi nhánh, cửa hàng, nhà máy, phân xưởng…. trực thuộc đơn vị chính) đều thuộc đối tượng nộp thuế môn bài.
Tình huống 1: Đối tượng nào phải nộp thuế Môn bài?
Trả lời: Đối tượng nộp Môn bài là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh không phân biệt quy mô, hình thức hoạt động.
Tình huống 2: Hiện nay quy định về thuế Môn Bài được thực hiện theo các văn bản nào?
Trả lời: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thuế Môn bài bao gồm:
– Nghị định của chính phủ số 75/2002/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2002 Về việc điều chỉnh mức thuế môn bài.
– Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2008 của Chính phủ.
– Thông tư số 42/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002 của Bộ tài chính.
– Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn về quản lý thuế.
Tình huống 3:
Tháng 1 hàng năm là đợt cao điểm ngành thuế triển khai thu thuế Môn bài. Vậy thuế Môn bài là gì?
Trả lời: Thuế môn bài là một khoản thu có tính chất lệ phí; được thu hàng năm (một lần/năm) nhằm mục đích kiểm kê, kiểm soát và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.
Tình huống 4:
Căn cứ để xác định số thuế Môn bài phải nộp?
Trả lời: Theo Thông tư số 42/2003/TT-BTC và Thông tư số 96/2002/TT-BTC thì căn cứ để xác định mức thuế Môn bài phải nộp được quy định như sau:
– Đối với các tổ chức kinh tế: căn cứ vào vốn đăng ký (là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư) của năm trước năm tính thuế, ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư để xác định mức thuế Môn bài phải nộp.
– Đối với Hộ sản xuất kinh doanh cá thể; Các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu kinh doanh… trực thuộc cơ sở kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập hoặc trực thuộc chi nhánh hạch toán phụ thuộc; Nhóm người lao động thuộc các cơ sở kinh doanh nhận khoán kinh doanh: căn cứ thu nhập bình quân tháng để xác định mức thuế môn bài phải nộp.
Tình huống 5:
Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nộp thuế Môn bài theo 4 bậc. Nội dung này được quy định cụ thể như thế nào?
Trả lời: Các tổ chức, Doanh nghiệp căn cứ vào vốn đăng ký để xác định mức thuế môn bài phải nộp theo 4 bậc như sau:
Đơn vị: đồng
BẬC THUẾ MÔN BÀI | VỐN ĐĂNG KÝ | MỨC THUẾ MÔN BÀI CẢ NĂM |
– Bậc 1 | Trên 10 tỷ | 3.000.000 |
– Bậc 2 | Từ 5 tỷ đến 10 tỷ | 2.000.000 |
– Bậc 3 | Từ 2 tỷ đến dưới 5 tỷ | 1.500.000 |
– Bậc 4 | Dưới 2 tỷ | 1.000.000 |
Tình huống 6:
Quy định về các bậc thuế môn bài áp dụng đối các Hộ sản xuất kinh doanh cá thể, nhóm người lao động nhận khoán kinh doanh; Các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu kinh doanh?
Trả lời: Hộ sản xuất kinh doanh cá thể; Các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu kinh doanh… trực thuộc cơ sở kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập hoặc trực thuộc chi nhánh hạch toán phụ thuộc; Nhóm người lao động thuộc các cơ sở kinh doanh nhận khoán kinh doanh nộp thuế môn bài căn cứ thu nhập bình quân để xác định mức thuế môn bài phải nộp theo 6 bậc như sau:
Đơn vị: đồng
Bậc thuế | Thu nhập 1 tháng | Mức thuế cả năm |
1 | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
2 | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
3 | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
4 | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
5 | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
6 | Bằng hoặc thấp hơn 300.000 | 50.000 |
Tình huống 7:
Các cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận ĐKKD hoặc có giấy chứng nhận ĐKKD nhưng không có vốn đăng ký thì mức thuế môn bài phải nộp là bao nhiêu?
Trả lời: Các cơ sở kinh doanh là chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ, các tổ chức kinh tế khác… không có giấy chứng nhận ĐKKD hoặc có giấy chứng nhận ĐKKD nhưng không có vốn đăng ký thì nộp thuế Môn bài theo mức 1.000.000 đồng/năm.
Tình huống 8:
Thời hạn khai thuế môn bài được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì khai thuế môn bài là loại khai thuế một lần để nộp cho hàng năm, cụ thể như sau:
– Người nộp thuế đang hoạt động kinh doanh đã khai, nộp thuế môn bài thì không phải nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho các năm tiếp theo nếu không thay đổi các yếu tố làm thay đổi về mức thuế môn bài phải nộp.
– Trường hợp người nộp thuế mới ra hoạt động kinh doanh thì khai thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Trường hợp người nộp thuế mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai thuế môn bài trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Khi có sự thay đổi các yếu tố liên quan đến căn cứ tính thuế làm thay đổi số thuế môn bài phải nộp của năm tiếp theo thì phải nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo, thời hạn khai thuế chậm nhất là ngày 31/12 của năm có sự thay đổi.
Tình huống 9:
Thời hạn nộp thuế Môn bài được quy định như thế nào?
Trả lời: Thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/1 của năm phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Trường hợp Người nộp thuế mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Tình huống 10:
Đối tượng nào được miễn, giảm thuế Môn bài hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 07/5/2003 của Bộ Tài chính; Công văn số 5095/TCT-CS ngày 17/11/2014 và Công văn số 5202/TCT-CS ngày 21/11/2014 của Tổng cục Thuế thì:
– Tạm thời miễn thuế Môn bài đối với:
+ Hộ sản xuất muối; điểm bưu điện văn hoá xã; các loại báo (báo in, báo nói, báo hình) theo công văn số 237/CP-KTTH ngày 25/3/1998 của Chính phủ về việc thuế đối với báo chí.
+ Tổ dịch vụ và cửa hàng, cửa hiệu, kinh doanh trực thuộc Hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
– Tạm thời giảm 50% mức thuế Môn bài đối với các quỹ tín dụng nhân dân xã; các HTX chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu …của HTX và của Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi.
– Miễn thuế môn bài năm 2015 đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính.
Tình huống 11:
Tại sao có trường hợp nộp Môn bài cả năm, có trường hợp nộp Môn bài nửa năm?
Trả lời: Cơ sở kinh doanh đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế Môn bài cả năm. Cơ sở đang sản xuất kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay tháng đầu của năm dương lịch; cơ sở mới ra kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay trong tháng được cấp đăng ký thuế và cấp mã số thuế.
Cơ sở kinh doanh có thực tế kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký thuế phải nộp mức thuế Môn bài cả năm không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
Tình huống 12:
Các cơ sở kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc thì thực hiện khai thuế môn bài như thế nào?
Trả lời:
Cơ sở kinh doanh nộp Tờ khai thuế môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp Cơ sở kinh doanh có đơn vị trực thuộc như : Chi nhánh, cửa hàng… kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của các đơn vị trực thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của cơ sở kinh doanh.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi cơ sở kinh doanh có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc.
Tình huống 13:
Trên thực tế có nhiều trường hợp người nộp thuế không có địa điểm kinh doanh cố định. Vậy những trường hợp này sẽ thực hiện nộp thuế môn bài ở đâu?
Trả lời: Trường hợp người nộp thuế kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do khác… nộp thuế môn bài tại nơi mình cư trú hoặc nơi mình được cấp đăng ký kinh doanh.
Tình huống 14:
Tôi được biết từ ngày 01/01/2015 có nhiều chính sách thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành. Vậy cụ thể những chính sách thuế mới này là gì?
Trả lời:
Một số chính sách thuế mới cần lưu ý thực hiện từ ngày 01/01/2015 như sau:
1. Người nộp thuế có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống hoặc mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thì thực hiện khai thuế GTGT theo quý.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì gửi Mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là cùng với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng đầu tiên của năm bắt đầu khai thuế GTGT theo tháng.
2. Từ ngày 01/01/2015, bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào khi lập hồ sơ khai thuế GTGT tháng (quý). Người nộp thuế chỉ cần nộp tờ khai thuế.
3. Từ ngày 01/01/2015, các nhóm hàng: Phân bón; Thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi; Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra (bao gồm cả bán buôn, bán lẻ).
Khi xuất hóa đơn GTGT bán các mặt hàng nêu trên thì không ghi thuế GTGT trên hóa đơn (gạch chéo dòng tiền thuế, thuế suất thuế GTGT).
Đối với các hộ kinh doanh có kinh doanh các mặt hàng không chịu thuế GTGT nêu trên không phải tổng hợp vào doanh thu tính thuế GTGT
4. Bãi bỏ quy định khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
5. Từ ngày 01/01/2015, chỉ áp dụng một mức tính chậm nộp là 0,05%/ngày. Bỏ mức 0,07%.
6. Hộ, cá nhân kinh doanh tiếp tục được sử dụng hóa đơn theo các quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Để lại một bình luận